Thứ Tư, 3 tháng 4, 2013

chữa thói quen ngồi đồng xem tivi của trẻ

Trong một buổi tọa đàm về kỹ năng giáo dục con thời hiện đại, chị Lý (mẹ của bé Tùng, nhà ở quận 3, TP HCM) cho biết, vợ chồng chị rất bối rối về thói quen của đứa con trai duy nhất. 'Đánh con thì thương mà không đánh không được. Nhiều khi cháu xem tivi quên cả ăn uống. Tôi lo lắm, liệu cháu có bị nghiện không?', người mẹ trẻ bày tỏ.

Cũng chỉ vì con quá mê xem phim truyền hình, dạo gần đây anh Hoàng (Bình Thạnh, TP HCM) phải cất tivi vào một tủ riêng rồi khóa lại. Mỗi ngày anh chỉ mở cho con xem khoảng một tiếng đồng hồ sau khi ăn cơm tối xong. Theo anh, đó là cách duy nhất để kiểm soát và 'cách ly' bé với thế giới ảo.

Anh bảo nhiều lúc cũng băn khoăn: 'Có hôm thấy con mè nheo đòi xem hoạt hình mình cũng thương, nhưng phải kiên quyết thôi biết đâu mà chiều chúng được. Trẻ con xem tivi nhiều chỉ tổ hại'.

tre-xem-tivi-JPG-1363663793_500x0.jpg
Trẻ xem tivi nhiều dễ bị cận thị, các tế bào thần kinh bị ảnh hưởng… Ảnh: Thi Trân.

Không phải ai cũng thành công khi cấm con xem tivi như anh Hoàng. Như trường hợp vợ chồng chị Thu, dù đã tìm mọi cách không cho con xem tivi nhưng được vài bữa cậu bé lại tìm được cách 'lách luật'. 'Cứ khóa tủ vài bữa cháu lại biết được chỗ giấu chìa khóa rồi tự mở tủ bật tivi xem khi ba mẹ không có nhà. Vợ chồng tôi la mắng con hoài cũng chẳng ăn thua gì', chị nói.

Thạc sĩ Phạm Thị Thúy, cố vấn chuyên môn Hội quán các bà mẹ TP HCM cho biết, các nhà khoa học từng đưa ra cảnh báo, tình trạng 'ngồi đồng' xem tivi có hại cho sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ em.

Tác hại đầu tiên dễ nhận thấy nhất là mắt trẻ dễ bị cận thị, các tế bào thần kinh cũng bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, do ngồi một chỗ, ít vận động nên tác phong chậm chạp, dễ béo phì… Lâu dần, bé sẽ trở nên thụ động trong giao tiếp. Ngoài ra, trẻ còn bị ảnh hưởng xấu khi xem chương trình của người lớn, đặc biệt phim tình cảm dễ dẫn đến dậy thì sớm, quan tâm đến chuyện yêu đương sớm.

Những biểu hiện dễ nhận thấy bé thích xem tivi và xem tivi quá nhiều như: Xem quá hai giờ mỗi ngày, xem liên tục không tự nghỉ, khi cha mẹ bắt ngừng thì tỏ ra khó chịu, bứt rứt không yên và không thiết tha với bất cứ trò chơi nào khác.

Theo bà Thúy, để hạn chế tình trạng đó, trước hết, các bậc cha mẹ nên lấy chính mình làm tấm gương, tránh xa tivi để cho trẻ quen dần với môi trường ấy. Cơ bản, vai trò của phụ huynh rất quan trọng khi giúp con điều chỉnh các thói quen, bởi cha mẹ là những người gần gũi nhất, có tác động mạnh nhất tới trẻ. Trong trường hợp thấy trẻ quá 'nghiện' xem tivi, cần có biện pháp 'cai' từ từ chứ không nên vội vàng. Việc ngăn cấm ngay lập tức sẽ tạo nên những phản ứng xấu từ trẻ (bỏ ăn, cãi lại, bướng bỉnh thậm chí thu mình trong phòng, tự tử).

Trẻ chỉ có thể bớt xem tivi nếu cha mẹ tạo ra nhiều hoạt động hấp dẫn hơn. Chẳng hạn: Tổ chức trò chơi cho cả nhà, đi chơi ngoài trời (thú nhún, công viên), thăm anh em họ hàng, bạn bè có con nhỏ cùng tuổi con mình để giao lưu, vui chơi. Cha mẹ cần quan tâm, nói chuyện với con về các nhu cầu của cháu. Cố gắng vừa nói chuyện vừa đùa vui. Các trò chơi vui vẻ giữa cha mẹ và con rất cần cho sự phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần của trẻ. Các hoạt động này cũng giúp bé quên dần tivi.

Không phải các chương trình truyền hình hoàn toàn xấu. Vì thế không nên cấm tuyệt đối. Việc cha mẹ cần làm là quy định rõ với trẻ được xem tivi giờ nào trong ngày, thời gian bao lâu và theo dõi có thưởng phạt kịp thời cho trẻ. Tốt nhất chỉ nên cho trẻ xem tối đa một lần trong ngày, không quá 30 phút mỗi lần; vào dịp hè và ngày nghỉ được xem hai lần trong ngày. Đối với trẻ dưới hai tuổi tốt nhất không cho xem tivi.

Tất nhiên, khi áp dụng biện pháp trên không nên máy móc quá. Nếu trẻ đang xem dở một chương trình yêu thích mà không tốn quá nhiều thời gian, cha mẹ nên kiên nhẫn cho trẻ xem hết và trừ giờ cho những lần xem sau. Cách này tốt hơn là bắt trẻ tắt tivi khi đang xem chương trình hay. Cách ứng xử mềm dẻo, linh hoạt của cha mẹ sẽ giúp bé cảm thấy thêm gần gũi và biết nghe lời cha mẹ hơn.

Một kinh nghiệm hay là quy định giờ bật - tắt tivi. Khi trẻ bắt đầu mở tivi, cha mẹ hãy chỉ lên đồng hồ và nói cho các cháu biết được xem 30 phút. Đến chính xác thời điểm nào là phải tắt tivi. Khi gần đến giờ 'giới nghiêm', phụ huynh hãy nhắc: "Năm phút nữa hết giờ nhé!" để các cháu không bị hụt hẫng khi bị tắt tivi.

'Cha mẹ cũng nên cùng xem tivi với bé để định hướng chương trình nào nên xem, đồng thời trao đổi với con về những chương trình ấy. Qua những câu chuyện, trò chơi, hoạt động trên tivi, cha mẹ có thể lồng vào những bài học giá trị sống, kỹ năng sống cho trẻ. Chẳng hạn xem chương trình truyện cổ tích, cha mẹ cùng trẻ rút ra bài học bổ ích như sự trung thực, lòng thương người…', bà Thúy đúc kết.

Thi Ngoan

Nguồn: giadinh.vnexpress.net

lợi ích khi cho trẻ học ngoại ngữ sớm

Một số chuyên gia cho biết thuộc tính này do sự thay đổi sinh lý xảy ra trong bộ não, giống như sự trưởng thành ở trẻ vào độ tuổi dậy thì.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu người có bản ngữ là tiếng Anh học một ngôn ngữ thứ hai rất sớm thì nó sẽ không kém gì ngôn ngữ mẹ đẻ của họ. Trên thực tế, trẻ em học ngoại ngữ sớm thường được thống kê có điểm số cao trong các bài kiểm tra. Một số báo cáo chứng minh, điểm số môn ngoại ngữ thứ hai cao hơn môn tiếng Anh đặc biệt là phần thi nói.

ngoaingu-jpg-1357954446_500x0.jpg
Ảnh: symantec-education.com.

Có rất nhiều lợi ích nhận được từ việc học ngoại ngữ. Ngoại ngữ sẽ mở ra một thế giới văn hóa hoàn toàn mới cho trẻ. Trẻ có thể thể hiện bản thân trong các phương pháp mới và sâu sắc. Ngoại ngữ còn giúp cho trẻ những lợi thế khi tham gia vào lực lượng lao động, để đi du lịch và trao đổi thông tin với những người ở nước khác. Biết nhiều hơn một ngôn ngữ sẽ tăng thêm nhiều cơ hội  trong kinh doanh, chăm sóc sức khỏe, thực thi pháp luật, công nghệ, truyền thông, dịch vụ xã hội và tiếp thị. Người sử dụng lao động nhìn thấy ở người biết ngoại ngữ thứ 2 là một cầu nối với khách hàng.

Chìa khóa để giúp con bạn học ngoại ngữ là chính bạn phải chủ động tích cực tham gia. Hãy đưa con đến các sự kiện văn hóa như âm nhạc, nhảy hoặc ẩm thực từ quốc gia có ngôn ngữ mà bé đang học. Bản thân bạn cũng hãy học ngoại ngữ. Nâng đỡ trẻ bằng cách luôn ở bên cạnh bé, cùng làm bài tập ngoại ngữ với bé. Nếu có thể, hãy để trẻ sống trong môi trường có các cuốn sách, video, chương trình tivi... đều sử dụng ngoại ngữ này để bé tăng cường khả năng tiếp thu.

Dạy trẻ ngoại ngữ sẽ mang lại cho bé những kỹ năng thành công trong cuộc đời, và quá trình này có thể là một dự án thú vị cho cả gia đình. Ngay cả nếu bé đã quá 10 tuổi, học ngoại ngữ vẫn luôn có giá trị, vì thế, hãy bắt đầu càng sớm càng tốt.

Vũ Hào - Thuận An

Nguồn: giadinh.vnexpress.net

xử trí khi bé nôn trớ

Theo thạc sĩ - bác sĩ Đinh Thạc, nôn trớ là tình trạng sức khỏe rất thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trong giai đoạn còn bú. Khi nôn trớ, bé sẽ khó ăn uống và bú mẹ; có thể chậm tăng cân, gây suy giảm sức đề kháng, nguy hiểm hơn có thể gây tắc nghẽn đường hô hấp nếu không may hít phải chất nôn ói vào phổi.

Hiểu rõ nguyên nhân gây nôn ói ở trẻ, cha mẹ sẽ biết cách cải thiện tình trạng này.

trean-jpg-1364531144-1364531179_500x0.jp
Ảnh minh họa: suckhoedoisong.

1. Nôn ói liên quan đến vấn đề ăn uống

Nôn ói hay gặp ở trẻ nhỏ thường do nguyên nhân ép trẻ ăn quá nhiều, bú quá no, bú bình, ngậm vú giả, pha sữa không đúng cách, không dung nạp sữa bò hoặc bắt đầu ăn bổ sung với thức ăn mới lạ... Nôn thường xuất hiện sớm, số lượng chất nôn ít, chủ yếu là thức ăn. Trong trường hợp này bé vẫn chơi bình thường, không ảnh hưởng nhiều đến tình trạng sức khỏe. Do vậy, chỉ cần điều chỉnh việc ăn uống sao cho hợp lý có thể giúp trẻ giảm bớt đáng kể tình trạng nôn ói.

Một số biện pháp khắc phục:

- Không ép ăn nhiều làm cho trẻ sợ hãi khi nhìn thấy thức ăn.

- Chia thức ăn làm nhiều bữa nhỏ trong ngày để đảm bảo đủ số lượng cần thiết.

- Ở trẻ bú mẹ, sau khi bú xong nên bế từ 10 đến 15 phút rồi mới đặt nằm xuống.

- Pha sữa đúng công thức, tốt nhất nên cho trẻ ăn, uống bằng thìa hoặc muỗng.

- Khi cho trẻ bú bình với đầu vú cao su, cần nghiêng bình sữa sao cho sữa ngập cổ bình để tránh tình trạng bé nuốt không khí vào dạ dày quá nhiều gây đầy hơi, chướng bụng.

 2. Nôn trớ do nguyên nhân bệnh lý

Triệu chứng thường gặp nhất là hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản. Nguyên nhân là do vòng van giữa thực quản và dạ dày không đủ mạnh để cản thức ăn trong dạ dày trào lên thực quản, đôi khi trào ra miệng. Tình trạng này gặp nhiều ở trẻ sơ sinh.

Dịch dạ dày là dịch axit, trong khi thực quản lại hơi kiềm nên dịch trào ngược lên sẽ gây ảnh hưởng xấu đến thực quản, có thể làm viêm thực quản, bỏng rát thực quản, làm cho trẻ sợ hãi khi bú hoặc ăn. Dịch trào ngược lên miệng nhiều có thể khiến bé dễ bị hít sặc vào phổi gây viêm phổi hít.

Đôi khi, trẻ có thể bị tím tái do ọc sữa vì dịch dạ dày gây kích thích dây thần kinh dọc theo thực quản, làm ức chế hô hấp khiến bé ngưng thở. Do đó, trào ngược dạ dày thực quản rất nguy hiểm đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Bệnh này sẽ khỏi khi được điều trị hoặc trẻ ăn thức ăn đặc hơn, các triệu chứng sẽ giảm dần rồi biến mất.

Biện pháp khắc phục:

- Sau khi cho trẻ bú xong, cần bế đứng lên và vỗ nhẹ phần lưng để bé có thể ợ hơi được. Mục đích của việc này làm giảm lượng hơi mà trẻ nuốt vào dạ dày, cũng là nguyên nhân gây nôn trớ.

- Khi trẻ nằm, cần kê cao đầu, đồng thởi luôn để thân mình phía trên cao hơn phía dưới để tránh hiện tượng trào ngược. Nếu trẻ bị ọc sữa nhiều, nên cho nằm nghiêng sang một bên để không bị hít chất nôn vào phổi. Tuyệt đối tránh bế xốc bé lên khi đang nôn trớ vì sẽ làm tăng nguy cơ trào dịch ói vào phổi.

- Cho trẻ bú chầm chậm, từng ít một và nhiều lần trong ngày nhằm tránh làm dạ dày căng quá mức. Có thể cho bé dùng thêm các loại sữa dễ đông đặc khi vào dạ dày, sẽ tránh được nguy cơ trào ngược.

- Sử dụng các thuốc chống trào ngược và bảo vệ thực quản thông dụng. Cần lưu ý, tuyệt đối tuân thủ theo sự hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Thi Trân

Nguồn: giadinh.vnexpress.net

tác dụng kỳ diệu của việc cho con bú

Những bà mẹ này cũng giảm được 17% nguy cơ chết vì bệnh tim mạch và đột quỵ. Ngoài ra, những người tuân thủ tất cả các khuyến cáo để có được cuộc sống khỏe mạnh cũng sẽ giảm được 1/3 nguy cơ tử vong vì nhiều loại bệnh tật, công trình này rút ra kết luận.

chobu-jpg-1364360481_500x0.jpg
Ảnh: motherhood-cafe.com.

Nhóm nghiên cứu đã theo dõi 380.000 người sống ở 9 quốc gia châu Âu trong 12 năm. Họ phát hiện những người tuân thủ đúng lời khuyên của Quỹ nghiên cứu ung thư thế giới (WCRF) thì cắt giảm được tới 34% nguy cơ chết vì những bệnh nghiêm trọng.

Những khuyến cáo này bao gồm: duy trì cân nặng khỏe mạnh, năng tập thể dục, giảm ăn các loại thực phẩm và đồ uống gây tăng cân, ăn nhiều rau củ, giảm ăn thịt và đồ uống có cồn, cho con bú trong ít nhất 6 tháng.

Tiến sĩ Teresa Norat, từ Đại học hoàng gia London, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: 'Nghiên cứu quy mô lớn của châu Âu này là công trình đầu tiên chỉ ra rằng có sự liên hệ mạnh mẽ giữa việc tuân thủ các khuyến cáo của Quỹ nghiên cứu ung thư thế giới và việc giảm được nguy cơ chết vì bệnh ung thư, các bệnh về tuần hoàn và hô hấp. Giờ đây, cần có nghiên cứu thêm nữa trên quần thể lớn hơn để khẳng định những phát hiện này'.

Theo đó, những người bám sát khuyến cáo của WCRF thì giảm được 50% nguy cơ chết vì bệnh hô hấp, giảm 44% nguy cơ chết vì bệnh tim, và 20% nguy cơ bệnh ung thư, so với người ở nhóm tuân thủ ít nhất.

Công trình, được công bố trên American Journal of Clinical Nutrition, cũng là nghiên cứu đầu tiên tìm hiểu việc cho con bú (như một phần của việc thay đổi lối sống) có ảnh hưởng đến nguy cơ tử vong như thế nào.

T. An

Nguồn: giadinh.vnexpress.net

những điều nên tránh để bé sơ sinh khỏe

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, cố vấn sách thai giáo Hội quán các bà mẹ tại TP HCM cho rằng, khi mới sinh ra đứa trẻ không quá yếu như ta tưởng mà đã được "trang bị" khá đầy đủ từ trong bụng mẹ. Tuy vậy bé vẫn rất cần được sự săn sóc thận trọng của người lớn. Đã có trường hợp bé chết ngộp vì vú mẹ khi mẹ ngủ quên, hay bé phỏng lúc tắm do bị người lớn nhúng vào một thau nước nóng.

tresosinh-1-jpg-1364807742_500x0.jpg

Ảnh minh họa: FN.

Vì thế để đảm bảo sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, bác sĩ Hồng Ngọc khuyên:

- Hạn chế số lượng người đến thăm hỏi vì khiến sản phụ và thai nhi mệt mỏi. Hơn nữa những người đang đau ốm, dù là cảm cúm sơ sài, cũng không nên tiếp xúc bồng bế, hôn hít vì sẽ lây bệnh cho bé.

- Nên đặt bé nằm trong một cái nôi, ở trong phòng chung với mẹ, thoáng khí, rộng rãi, mát mẻ, sạch sẽ và đủ ánh sáng.

- Cần bỏ tập quán coi việc sinh đẻ như là dơ bẩn xấu xa. Tránh nhốt mẹ và bé trong buồng kín mít, ngộp hơi, tăm tối, dơ bẩn…

- Tránh để bé nằm ngửa lâu vì có thể bị phỏng lưng. 

- Sản phụ không nên suốt ngày nhét bông gòn vào hai tai, trùm kín đầu, cả tháng không ra ngoài ánh sáng, ăn toàn nước mắm kho tiêu, đến nỗi khi ra khỏi buồng thì đầu váng, mắt hoa, chân đi không vững. Những kiêng cữ sai lầm thái quá như thế sẽ khiến cả mẹ và con ốm yếu.

- Đứa trẻ sinh bình thường, đủ tháng thì bắt buộc phải chích văcxin BCG ngừa lao. Từ 2 tháng tuổi trở đi, bé phải được chích và uống ngừa các thứ bệnh nguy hiểm khác như: sốt bại liệt, ho gà, uốn ván, bạch hầu, ban đỏ (6 thứ bệnh này gây tử vong và tàn phế ở trẻ con). Riêng bệnh đậu mùa thì không cần ngừa nữa vì bệnh này đã bị tiêu diệt trên toàn thế giới năm 1977 nhờ chủng ngừa.

Thi Trân

Nguồn: giadinh.vnexpress.net

cách yêu con được bé mong chờ nhất

1. Dành cuối tuần cho con

Hãy cố gắng sắp xếp công việc để có thể dành thời gian cho con trong những ngày cuối tuần, ví dụ như đưa con đi sở thú, đi xem xiếc, đi xem phim hay thậm chí là cùng con làm một việc gì đó tại nhà. Khi bạn đã làm cha, làm mẹ thì bạn cần phải có trách nhiệm với con mình và việc ở bên con càng nhiều càng tốt chính là nghĩa vụ của bạn.

7-ways-to-make-your-children-feel-specia
Ảnh: kneffphotography.

2. Tham gia và các hoạt động của con

Hãy tạo cho con cảm giác được thuộc về bạn, được bạn quan tâm bằng cách tham gia vào cuộc sống hàng ngày của con. Hãy tham dự những buổi họp phụ huynh, những sự kiện do trường con tổ chức, những bữa tiệc liên quan đến con…Hãy cố gắng sắp xếp thời gian để có mặt trong những sự kiện đó và cho con thấy bạn là một người cha, người mẹ tuyệt vời như thế nào.

3. Quan tâm và hỏi han về mỗi ngày của con

Trong những bữa ăn tối, hãy tạo ra thói quen trò chuyện với con về một ngày của con ở trường. Hãy hỏi về việc học tập, bạn bè, những trò chơi…của con trong ngày. Hãy trở thành một người bạn của con và để con cảm thấy hạnh phúc khi có một người cha, người mẹ quan tâm và muốn biết những điều đang diễn ra trong cuộc sống của con.

4. Thi thoảng tặng quà cho con

Trẻ em sẽ có cảm giác như mình là "cái rốn của vũ trụ" mỗi khi được nhận quà bánh. Mỗi tháng 1 đến 2 lần, bạn hãy nuông chiều con bằng cách mua tặng con những đồ chơi mà con đã thèm muốn từ lâu, hoặc mua cho con kem hay bánh kẹo... Bạn cũng có thể đều đặn chuẩn bị những món ăn mà con yêu thích trong những bữa cơm gia đình.

5. Tổ chức các sự kiện vì con

Hãy là một bà mẹ tuyệt vời bằng cách thi thoảng tổ chức những chuyến đi dã ngoại, những bữa tiệc…. cho con và thậm chí là cùng các bà mẹ khác tổ chức cho nhóm bạn của con. Con bạn chắc chắn sẽ rất hạnh phúc khi thấy bạn tổ chức những sự kiện đó vì chúng.

6. Thưởng cho hành vi tốt của con

Hãy giúp con hình thành thói quen tích cực bằng cách thưởng cho những việc làm tốt thay vì quở trách hay mắng mỏ mỗi khi con làm điều sai trái. Khi thấy con làm được một việc gì tốt, hãy thưởng cho con đồ chơi, bánh kẹo hay một chuyến đi chơi và đừng quên nhắc con nguyên nhân của phần thưởng đó. Điều này sẽ giúp trẻ cảm thấy mình đặc biệt và hình thành cách ứng xử tốt hơn.

7. Dành thời gian cho con

Điều cuối cùng nhưng cũng quan trọng không kém đó chính là sắp xếp và dành thời gian cho con. Bạn càng dành nhiều thời gian cho con trong những năm tháng con khôn lớn thì con càng cảm thấy gắn bó và yêu thương bạn hơn. Hãy đưa con tới trường, chuẩn bị cơm hộp cho con ăn ở lớp, đi xem bóng đá cùng con và làm những việc tương tự để cho con thấy sự quan tâm sâu sắc của bạn đối với bé, với cuộc sống của bé.

Thanh Mai (theo magforwomen)

Nguồn: giadinh.vnexpress.net

tuyệt chiêu giúp trẻ hay ăn chóng lớn

Nhìn trẻ ăn uống ngon miệng, cha mẹ nào cũng hạnh phúc vì thấy con khỏe mạnh, khôn lớn từng ngày. Tuy nhiên, theo thạc sĩ - bác sĩ Đinh Thạc, có một nghịch lý khá phổ biến đang tồn tại, là tình trạng biếng ăn ở trẻ tỷ lệ thuận với sự phong phú và dồi dào của nguồn thực phẩm dinh dưỡng sẵn có. Quan niệm mong con "hay ăn chóng lớn" vô hình tạo nên một áp lực lớn đối với cha mẹ, thậm chí gây ra tình trạng biếng ăn ở trẻ.

Vì thế để giúp con ăn uống ngon miệng và phát triển tốt, bác sĩ Thạc khuyên cha mẹ nên lưu ý những nguyên tắc cơ bản khi cho trẻ ăn uống như sau:

- Không nên quá áp đặt việc ăn uống của trẻ.

- Món ăn của bé nên phong phú và bắt mắt.

- Tạo không khí sinh hoạt gia đình vui vẻ và hòa đồng trong bữa ăn.

chobean-jpg-1364353023_500x0.jpg

Muốn con hay ăn chóng lớn, cha mẹ không nên quá áp đặt chuyện ăn uống của trẻ. Ảnh: Nhacbabau.

- Đừng bắt con ăn hết phần ăn mà bạn muốn, trẻ sẽ rất dễ ngán và cảm thấy việc ăn uống trở nên nặng nề. Hãy để bé ăn theo nhu cầu. Khi trẻ không muốn ăn nữa, bạn nên ngưng món ăn chính và chuyển sang món tráng miệng. Như vậy, trẻ sẽ cảm thấy thật thoải mái khi được cho ăn.

- Tránh tuyệt đối việc khen thưởng khi trẻ chịu ăn loại thực phẩm mà bạn muốn vì nghĩ thức ăn ấy tốt cho bé. Điều này gây ra tình trạng mất cân đối các loại thực phẩm trẻ cần, khiến bé biếng ăn vì cứ phải dùng một loại thức ăn không còn sức hấp dẫn với mình nữa.

- Nên cho bé tham gia chuẩn bị bữa ăn cùng với cha mẹ. Trẻ con rất thích ăn những gì chúng tự chế biến để khám phá thế giới xung quanh. Vì vậy bạn nên để trẻ giúp một tay trong việc nấu nướng những món ăn đơn giản như làm bánh ngọt, nướng bánh mì, chế biến các loại nước ép trái cây… Đối với trẻ lớn, nên khuyến khích ăn chung với gia đình.

- Hãy quan tâm đến tính đa dạng của các món ăn. Nếu ngày nào bạn cũng dọn cho trẻ món trứng đúc thịt, thì chẳng có gì ngạc nhiên khi bé không muốn ăn. Hãy thử bữa sau bạn cho trẻ một khúc cá chiên hay bát súp sườn hầm khoai tây, chén canh rau dền cua đồng…bạn sẽ thấy bé luôn tò mò thích ăn thử món mới xem sao.

- Khuyến khích trẻ ăn đủ các bữa trong ngày một cách điều độ, đặc biệt là bữa sáng. Nghiên cứu dinh dưỡng cho thấy những trẻ ăn sáng đều đặn có vóc dáng cân đối và thường mạnh khỏe hơn đứa hay bỏ lỡ bữa sáng.

- Nói cho bé biết về những lợi ích của việc ăn uống đầy đủ, đặc biệt là sự phát triển về thể lực và trí não của trẻ liên quan chặt chẽ với những loại thực phẩm dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Nhận thức được điều này có thể giúp trẻ hào hứng hơn trong việc ăn uống của mình.

- Cắt giảm những bữa ăn vặt. Bạn hãy xem tình trạng biếng ăn của con mình có liên quan đến việc ăn vặt của bé hay không. Vài cái kẹo, một gói bánh snack, một củ khoai… tưởng như không là gì nhưng lại ảnh hưởng rất nhiều đến sự ngon miệng của trẻ.

- Với bé ở độ tuổi đến trường, phụ huynh có thể thảo luận với thầy cô chọn những loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, dễ tiêu, nhiều chất xơ, nhiều rau xanh… Nếu có điều kiện nên cho trẻ ăn những món ăn yêu thích, chúng thấy ngon miệng hơn.

- Khuyến khích mọi thành viên trong gia đình tổ chức nhiều hoạt động thể lực vui nhộn và bổ ích như đá bóng, đi bộ, chạy xe đạp… Hoạt động thể lực làm tiêu hao năng lượng dư thừa sẽ giúp trẻ mau đói bụng và cảm thấy ăn ngon miệng hơn.

Thi Ngoan

Nguồn: giadinh.vnexpress.net

kẻ thù làm giảm trí thông minh ở trẻ

Thử cùng điểm qua một vài thói quen mà bạn cần giúp bé bỏ nhé:

1. Ngủ không đủ giấc

Giấc ngủ giúp não bộ xua tan mệt mỏi. Trẻ ngủ quá ít sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển trí lực và khả năng tiếp thu học tập, thậm chí có thể gây ra các vấn đề như tăng động, mất kiểm soát cảm xúc… Trạng thái mệt mỏi làm cho bé mất tập trung cũng như dẫn đến tâm trạng uể oải không muốn hoạt động gì nữa. Bố mẹ cần đảm bảo thời gian cũng như chất lượng giấc ngủ để trẻ có sinh lực dồi dào cho một ngày học tập hiệu quả.

2. Xem tivi quá nhiều

Bạn có giới hạn thời gian xem TV của con mỗi ngày không? Bé chơi điện tử, dùng iPad hoặc điện thoại di động thế nào? Có nhiều nghiên cứu về thời gian ngồi trước màn hình quá nhiều ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của trẻ, bao gồm kỹ năng tổ chức, tập trung và chơi thể thao kém, nhưng lại có ít hướng dẫn về thời gian xem bao nhiêu là nhiều.

be-xem-tivi-jpg-1364865478_500x0.jpg

Ảnh: Cdn5.wn.com

Hãy giảm thời gian ngồi trước mọi loại màn hình của trẻ xuống còn khoảng 2 giờ mỗi ngày, và đặc biệt giữ ở mức tối thiểu đối với trẻ dưới 2 tuổi.

3. Ít giao tiếp với người thân, bạn bè

Ngôn ngữ được phát triển ở thùy não. Nói chuyện cũng như giao tiếp thường xuyên sẽ thúc đẩy sự phát triển và thực hiện chức năng của não bộ. Quá trình giao tiếp phong phú cũng góp phần kích thích vận động trí não của trẻ. Vì thế, cha mẹ nên dành thời gian cho trẻ tiếp xúc với môi trường bên ngoài cũng như chủ động trò chuyện cùng bé bất kỳ khi nào có thể.

4. Ăn nhiều đồ ngọt

Ăn đồ ngọt quá nhiều sẽ có xu hướng hạ thấp chỉ số IQ của trẻ. Đồ ngọt sẽ làm giảm sự thèm ăn, giảm lượng protein cao và vitamin tổng hợp khiến cho cơ thể suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ.

5. Ăn quá no

Ăn quá no trong một thời gian dài sẽ có thể dẫn đến sự sinh trưởng của một số tế bào có hại cho não, chúng tích lũy trong não và dần dần sẽ dẫn đến xơ cứng động mạch ở đây. Thời gian dài, tế bào não bị thiếu oxy và chết dần, khiến chức năng não suy giảm, thậm chí làm giảm trí thông minh.

6. Không ăn sáng

Bỏ qua bữa ăn sáng sẽ khiến cho lượng đường trong máu thấp hơn so với mức bình thường của cơ thể. Thiếu dinh dưỡng cung cấp sẽ gây hại cho bộ não một thời gian dài.

Ngoài ra, chất lượng bữa ăn sáng cũng có mối liên hệ chặt chẽ với phát triển trí tuệ. Theo nghiên cứu, bữa ăn tốt nhất cho sự phát triển của trẻ nói chung là bữa sáng giàu ptrotein.

7. Lười suy nghĩ

Suy nghĩ chính là một cách tốt nhất để tập thể dục cho não. Việc vận dụng trí óc vào suy đoán, xử lý sẽ giúp trí tuệ của các bé được phát triển tốt hơn. Ngược lại, không động não sẽ đẩy não bộ vào sự suy thoái nhanh chóng.

Theo Webphunu.net

 

Nguồn: giadinh.vnexpress.net

6 cách khuyến khích trẻ học

1.  Hiểu rõ về con

Là phụ huynh, bạn cần phải trở thành người quan sát, chú ý tới những điều có thể là động lực cho con và điều có thể làm con nhụt chí để có hướng tiếp cận khác nhau trước những vấn đề khác nhau. Cần hiểu rõ con vì trên thực tế, trẻ này có thể hứng thú với cách này nhưng bé khác lại không.

Nếu bạn rèn con bằng phương pháp thích hợp thì việc cháu tiếp thu kiến thức một cách dễ dàng hơn là điều dễ hiểu. Nếu bé không thích đọc hay đang gặp vấn đề về đọc - hiểu thì bạn nên đọc cho con và khuyến khích con cùng đọc to với bạn. Bằng cách này, bạn sẽ ngạc nhiên về sự tiến bộ của con. Điều này thật sự đúng cho những trẻ không hứng thú với việc đọc.

Kích thích khả năng tư duy, ham học hỏi của con là quá trình đòi hỏi sự kiên trì của cha mẹ bằng sự quan sát, phát hiện và phát triển thế mạnh của con.
Kích thích khả năng tư duy, ham học hỏi của con là quá trình đòi hỏi sự kiên trì của cha mẹ bằng sự quan sát, phát hiện và phát triển thế mạnh của con. Ảnh: roryoconnor

2. Lập những kỳ vọng cho con

Một khi bạn mong muốn con thành công thì khả năng chúng thành công là rất lớn. Nói chuyện, trao đổi, làm việc cùng con để đặt ra những kỳ vọng, những ý tưởng cho tương lai, lập mục tiêu và kế hoạch để thực hiện mục tiêu đó. Cho bé một số lựa chọn và kiểm soát quá trình học của con. Điều này cho phép trẻ làm việc độc lập và thử thách cũng như cho chúng cảm giác tích cực vì hoàn thành nhiêm vụ.

3. Bình tĩnh

Một điều quan trọng nhưng phụ huynh lại hay mắc phải đó là không thể kiểm soát cảm xúc khi dạy trẻ. Thái độ của cha mẹ tác động xấu đến con trẻ. Chăm sóc, dạy dỗ con bằng những cảm xúc tiêu cực là phản tác dụng và sẽ chỉ khiến con quan tâm đến cảm xúc của bạn hơn là nhiệm vụ chúng phải làm. Do đó, để là một người bố, người mẹ tuyệt vời thì bạn nên giữ thái độ lạc quan và nói chuyện với con một cách nhẹ nhàng nhưng chân thành nhất có thể.

4. Chia mục tiêu thành từng bước nhỏ

Chia những thử thách của con thành nhiệm vụ nhỏ để bé có thể tự hào về công việc của mình qua mỗi giai đoạn mà không tự kiêu hay chán nản. Đừng quên thưởng cho con sau mỗi thành quả nhỏ mà bé đã đạt được.

5. Tập trung vào thế mạnh của con

Một cách khá đơn giản để thúc đẩy con phát triển là nhắm vào thế mạnh của trẻ. Nếu bé có niềm đam mê và học tốt môn toán thì bạn nên khuyến khích con phát triển khả năng này, tìm cách để nó tiếp cận với toán nhiều hơn nhằm nuôi dưỡng và thể hiện "tài năng" với môn học cơ bản này.

6. Trò chuyện cởi mở như một người bạn với con

Trò chuyện cởi mở như một người bạn với con, cho phép trẻ được bộc lộ cảm xúc và suy nghĩ cá nhân là một việc rất cần thiết và hữu ích. Một ví dụ đơn giản như hỏi bé về một môn học cụ thể nào đó rằng con thấy nó như thế nào, nhàm chán hay thú vị, khó hay dễ…

Điều quan trọng nhất là biến mọi điều trong cuộc sống thường ngày thành cơ hội để bé học hỏi, hình thành khả năng, phong cách sống ham học cho con. Khuyến khích bé bộc lộ khả năng và tự đặt câu hỏi; luôn luôn khen ngợi, cổ vũ trẻ sau những nỗ lực để đạt được những mục tiêu nhỏ.

Lê Phương (Theo Sheknows)

 

 

Nguồn: giadinh.vnexpress.net

chuẩn bị cho con vào lớp 1 phải từ lúc còn bé

Theo chuyên viên tham vấn tâm lý Phạm Thị Thúy, vài năm gần đây, các phụ huynh khá vất vả với việc chuẩn bị cho con vào lớp một. Nhiều người gửi thư đến trung tâm nhờ tư vấn về việc chuẩn bị cho con bước vào lớp một như thế nào, hoặc băn khoăn có nên cho bé đi học chữ trước không...

behoc-jpg-1364544679_500x0.jpg
Chơi trò vẽ, tô màu là một cách luyện viết cho trẻ. Ảnh: Thi Trân. 

Bà Thúy cho rằng, những nỗi lo như trên là chính đáng bởi bất kỳ người cha, người mẹ nào cũng mong con mình học giỏi, đạt điểm cao. Tuy nhiên theo bà, điều đó không có nghĩa là bắt ép trẻ phải học ngày đêm, nhồi nhét chữ cho thật nhiều để rồi các em đánh mất niềm vui tuổi thơ hồn nhiên của mình. Có rất nhiều lý do dẫn đến thái độ lo lắng của phụ huynh, song xét sâu xa chính là họ không chú ý dạy con từ thuở còn thơ nên việc chuẩn bị vào lớp một gây áp lực, vất vả cho các bé và cho chính phụ huynh.

'Tôi không muốn đánh mất tuổi thơ của con nên không cho con học trước. Chỉ vài tuần trước khi vào lớp một, tôi mới cho con đi học hè làm quen với trường học. Trong một tháng hè, các trường tiểu học thường tập trung các bé để tập các bé cách học, tập làm quen trường lớp trước khi vào năm học mới', bà Thúy cho biết.

Chia sẻ kinh nghiệm giúp con trẻ ham thích học hỏi từ khi còn trong bụng mẹ, vị chuyên viên tham vấn tâm lý gợi ý với phụ huynh một số vấn đề sau:

- Chú trọng thai giáo, tức là dạy con từ trong bào thai. 'Thậm chí khi chuẩn bị có con tôi cũng rất cẩn thận: hai vợ chồng chú ý giữ sức khỏe thật tốt, đi kiểm tra sức khỏe trước khi lấy nhau, tình cảm giao hòa. Con chúng ta có tố chất thông minh hay không phần lớn được quyết định vào thời điểm thụ thai và chín tháng 10 ngày được thai giáo trong bụng mẹ', bà Thúy nói.

- Cho con làm quen với các chữ, số, các khái niệm toán học (to, nhỏ, cao thấp…) ngay từ khi con được một tuổi thông qua các trò chơi.

- Cha mẹ nên đọc sách cho con nghe từ bé (khoảng một tuổi rưỡi) và duy trì thói quen này hàng ngày. Nên chọn câu chuyện phù hợp độ tuổi để đọc cho con, vừa đọc vừa chỉ từng chữ cho con nhìn theo tay của cha (hoặc mẹ). Vợ chồng thay phiên nhau đọc nếu một trong hai người bận việc. Đến khi con biết đọc, nên khuyến khích con đọc cho cha mẹ nghe. Chữ nào khó, phụ huynh hướng dẫn cho cháu. Việc này giúp con có vốn từ ngữ phong phú, khả năng nghe tốt và nhận biết chữ cái sớm.

- Chuẩn bị tâm lý cho con trước khi đi học. Cần cho trẻ cảm nhận rằng đi học là niềm vui, con chỉ cần phấn đấu không để điểm kém (dưới 5 điểm) là được; không gây áp lực phải đạt điểm 9, 10. Cha mẹ nên tạo điều kiện cho con nói về mục tiêu của mình, lớn lên con muốn làm gì, muốn cuối năm lớp một, con xếp thứ mấy trong lớp… Bằng cách nói chuyện vui vẻ với con, cha mẹ khuyến khích con có ước mơ, từ đó động viên con nỗ lực học tập để đạt được điều đó.

- Khuyến khích con tự học, tự làm lấy mọi việc liên quan đến con. Cha mẹ không làm thay, cũng không ngồi kèm con học quá nhiều, chỉ khuyến khích và kiểm tra kết quả. Việc cha mẹ ngồi kèm bên cạnh khi con học trong thời gian đầu không có lợi vì bé cảm thấy căng thẳng khi có người giám sát, thậm chí có suy nghĩ ỷ lại. Hơn nữa, cha mẹ thấy con viết chưa nắn nót, còn mải chơi là la mắng nên càng làm con không thoải mái. Phụ huynh nên giao bài tập, cho thời gian và để con tự làm, đến đúng giờ thì vào kiểm tra. Có thể vài lần đầu, kết quả chưa tốt, thời gian chưa kịp, nhưng từ từ, cháu tiến bộ hơn khi được mẹ động viên, khen thưởng kịp thời.

'Bằng kinh nghiệm của mình, cha mẹ không nên tạo áp lực mà hãy cùng nhau giúp con học tốt, để bé cảm thấy hạnh phúc trong việc học tập', bà Thúy khuyên.

Thi Trân

Nguồn: giadinh.vnexpress.net